Bảo tàng Đồng Quê độc nhất vô nhị ở Nam Định (bài 2): Tấp nập khách trong nước, khách quốc tế ghé thăm
Mai Chiến trên báo Dân Việt trên
Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, đến nay Bảo tàng Đồng quê (xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) đã trở thành điểm tham quan, du lịch của nhiều du khách trong và ngoài nước. Trung bình, mỗi năm Bảo tàng tiếp đón hàng chục nghìn lượt khách, chiêm ngưỡng gần 10.000 hiện vật mang ký ức làng quê, ký ức chiến tranh…
Bảo tàng Đồng quê, (xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) đang trưng bày hơn 10.000 hiện vật, nhiều hiện vật trong số đó mang đậm ký ức làng quê. Video: Mai Chiến.
Tái hiện 3 ngôi nhà của 3 tầng lớp xã hội khác nhau
Từ lâu, Bảo tàng Đồng quê được coi là thiết chế văn hóa, có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa của cư dân vùng đồng bằng Bắc bộ.
Mặc dù, là Bảo tàng tư nhân do Nhà giáo Ngô Thị Khiếu cùng chồng là Thiếu tướng Hoàng Kiền khởi xướng, xây dựng, hoạt động không dựa vào kinh phí của nhà nước, thế nhưng từ khi thành lập cho đến nay, Bảo tàng vẫn duy trì và hoạt động ổn định. Trở thành điểm du lịch, tham quan của rất nhiều du khách trong và ngoài nước.

Ngôi nhà Bần nông 3 gian, với 2 gian chính, 1 gian buồng tại Bảo tàng Đồng quê, (xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định). Ảnh: Mai Chiến.
Du khách đến đây được hòa mình vào không khí trong lành, yên tĩnh; được chiêm ngưỡng hàng nghìn hiện vật có giá trị lịch sử; được thưởng thức bữa cơm quê, quà quê; được trải nghiệm thực tế các công đoạn làm bánh (bánh trôi nước, bánh gai, bánh khúc), đây những thứ quà quê mang đậm nét vùng biển Nam Định.
Bảo tàng Đồng quê có diện tích gần 6.000m2, bao gồm nhiều hạng mục như nhà Bần nông, nhà Trung nông, nhà Địa chủ, nhà Trưng bày hiện vật, nhà gác tường.
Theo quan sát của chúng tôi, phía chính diện cổng vào Bảo tàng là Đền thờ Bác Hồ, xung quanh có các hạng mục công trình phụ trợ như ao cá, các loại cây cảnh truyền thống của địa phương. Xung quanh ao có giàn mướp hương đang đơm hoa kết trái; dưới ao có vó cất cá, du khách có thể trải nghiệm cất vó, đánh bắt cá dưới ao.

Ngôi nhà Trung nông 5 gian, mái lợp rạ. Ảnh: Mai Chiến.
Đi theo hướng tay trái, tiến sâu vào Bảo tàng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những nếp nhà cũ thể hiện đời sống của các tầng lớp nông dân xưa gồm nhà Bần nông, nhà Trung, nằm sát nhau. Cả 2 ngôi nhà này đều lợp bằng mái rạ; toàn bộ hệ thống cửa ra vào, cửa sổ được làm bằng gỗ…
Có điểm khác chăng là nhà Bần nông chỉ có 3 gian, gồm 2 gian ngoài và 1 gian buồng; tường bao đất nện, có hè không hiên; trước ngôi nhà có gian bếp nhỏ, rộng khoảng 7m2. Còn nhà Trung nông có 5 gian nối thông nhau, rộng và to hơn nhà Bần nông; nhà có hiên, sân gạch, cổng, bờ rào…
Đối diện nhà Bần nông và Trung nông, cách xa khoảng 100m là một ngôi nhà Địa chủ 5 gian, với 3 gian chính giữa hoàn toàn bằng gỗ lim, cột kèo chắc chắn; tường nhà xây gạch.
Mái nhà được lợp bằng ngói mũi hài đỏ chót. Trước nhà có khoảng sân rộng, có bể chứa nước mưa và có hàng chục cối đá, trục đá tuốt lúa tuổi đời hàng chục năm. Đặc biệt, trong nhà Địa chủ có tủ chè, sập, trường kỷ, đồng hồ côn…, thể hiện cho sự giàu sang.
“Đây là những ngôi nhà gốc, nguyên bản, đã qua sử dụng, có tuổi đời từ 70 – 100 năm, được Bảo tàng sưu tầm đưa về dựng lại. Trong đó, nhà Bần nông được sưu tầm ở xã Giao Tân, huyện Giao Thủy; nhà Trung nông sưu tầm ở huyện Hải Hậu; nhà Địa chủ sưu tầm tại quê nhà xã Giao Thịnh. Trong mỗi ngôi nhà đều trưng bày hiện vật thể hiện đời sống sinh hoạt của người nông dân, địa chủ xưa”, chị Trần Thị Huê, hướng dẫn viên Bảo tàng Đồng quê cho hay.
Theo chị Huê, đây là những ngôi nhà đại diện cho sự phát triển của cư dân phía Nam châu thổ sông Hồng và đặc trưng của vùng đất Giao Thủy xưa.
Điểm nhấn Bảo tàng Đồng quê
Đến với Bảo tàng Đồng quê, khách tham quan không chỉ được chiêm ngưỡng 3 ngôi nhà thể hiện cho 3 tầng lớp khác nhau mà còn được “mục sở thị” hàng nghìn hiện vật gốc có giá trị lịch sử, gắn bó với cha ông, tổ tiên ta từ hàng nghìn năm trước.
Trong đó, có hiều hiện vật là nông cụ sản xuất nông nghiệp truyền thống, đồ dùng sinh hoạt của nông dân vùng đồng bằng Bắc bộ xưa, các hiện vật gắn liền với hoạt động cách mạng của Thiếu tướng Hoàng Kiền… được trưng bày trong ngôi nhà 4 tầng. Mỗi một tầng, hiện vật được trưng bày theo chủ đề khác nhau.
Cụ thể, tầng 1 là nơi trưng bày, lưu giữ kỷ vật chiến trường của Thiếu tướng Hoàng Kiền và nhiều tư liệu quý về Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tầng 2 là tầng trưng bày chính của Bảo tàng Đồng quê với chủ đề “Cây lúa với đời sống sinh hoạt của cư dân đồng bằng Bắc bộ”. Các hiện vật trưng bày là nông cụ canh tác lúa gồm khâu làm đất (cày, cuốc, móng…), khâu chăm sóc (guồng, gầu tát nước…), khâu thu hoạch (liềm cắt lúa…), khâu chế biến lúa gạo (cối xay, cối giã thóc; dần, sàng, ria, mẹt…) và nơi lưu trữ thóc (cót, bồ…).
Bên cạnh đó, có trưng bày 1 số hiện vật khác thể hiện công việc, ngành nghề khác của cư dân vùng Giao Thủy như dụng cụ đánh bắt cá, dụng cụ làm muối, dụng cụ dệt chiếu cói… Đây là những hiện vật đã qua sử dụng và gắn bó với đời sống nông nghiệp của ông cha ta từ rất lâu.
Đặc biệt, tại tầng 2 khu trưng bày hiện vật còn tái hiện ngôi nhà tre, mái lá của 1 gia đình nông dân xưa. Trong ngôi nhà có ban thờ tổ tiên, ông bà; tủ đựng trang phục của người nông dân xưa (quần áo mặc đi chơi, lễ hội; quần áo lao động); máy dệt chiếu thủ công.
Cũng tại tầng 2, có tái hiện 1 gian bếp nhỏ của gia đình nông dân, gian bếp có cối giã gạo, dụng cụ sản xuất nông nghiệp… Bếp của người nông dân xưa vừa có chức năng bảo quản giống cây trồng, vừa nấu ăn…
Trong khi đó, ở tầng 3, với nhiều hiện vật được trưng bày, giới thiệu dưới dạng kho mở và sắp xếp theo từng nhóm chủ đề. Các hiện vật là nhóm đồ đồng (mâm đồng, thau đồng, nồi đồng…), tiền xưa (tiền xu, tiền giấy ở các thời kỳ khác nhau), đồ gốm sứ (bát, đĩa…), bộ sưu tập công cụ sản xuất và vũ khí đồng, văn hóa Đông Sơn cách ngày nay 2.000 – 2.500 năm…
Chị Trần Thị Huê, hướng dẫn viên Bảo tàng Đồng quê thông tin, hiện tại tầng 3 đang trưng bày, giới thiệu gần 10.000 hiện vật, được chia thành các bộ sưu tập khác nhau như bộ sưu tập đồ đồng với khoảng 200 mâm đồng, gần 200 nồi đồng, hơn 60 chậu thau đồng, hơn 100 sanh đồng; bộ sưu tập tiền xưa có tiền xu (1 tạ tiền xu) và tiền giấy trải qua các thời kỳ; bộ sưu tập các dụng cụ liên quan đến đời sống sinh hoạt, nghề truyền thống; bộ sưu tập nông cụ mây tre đan…
“Trên tầng 3 có bộ sưu tập công cụ sản xuất và vũ khí đồng, văn hóa Đông Sơn cách ngày nay 2.000 – 2.500 năm. Đây là những công cụ vũ khí mà người Việt xưa sử dụng trong việc săn bắt”, chị Huê chia sẻ.
“Việc bảo tồn, trưng bày các hiện vật có ý nghĩa trong việc tuyên truyền, giới thiệu cho thế hệ trẻ hiểu biết về lịch sử, mảnh đất, con người, quê hương vùng đất ven biển Giao Thủy nói riêng và vùng đồng bằng Bắc bộ nói chung.
Những hiện vật ở Bảo tàng Đồng quê đã trở thành những di sản văn hóa mang nhiều giá trị lịch sử, nhân văn. Đây còn là thiết chế văn hóa quan trọng trong Chương trình xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước ở địa phương”, chị Trần Thị Huê, hướng dẫn viên Bảo tàng Đồng quê nói.