Thử làm & thưởng thức đặc sản đồng quê

Bánh gai là một trong những món bánh truyền thống của Việt Nam, với màu sắc và mùi vị đặc trưng bánh gai luôn có sức hút với bao thế hệ.. Nguyên liệu chính: Đậu xanh, gạo nếp, lá gai…

thu lam qua que1.Đậu xanh hay còn gọi là đỗ xanh.

Ở Việt Nam đậu xanh là loại đậu thường được sử dụng để làm xôi, nấu chè, làm các loại bánh như bánh gai.
Tên khoa học: Vigna radiata
Hiện nay có rất nhiều giống đậu xanh. Một trong những giống đậu xanh cho năng suất cao được trồng phổ biến là đậu xanh tạp giao, giống này cho năng suất cao nhưng ăn không ngon.
Trong vườn Bảo Tàng Đồng Quê vẫn thường trồng loại đậu xanh truyền thống từ xưa, tuy năng suất không cao nhưng chất lượng lại rất tốt đó là giống đậu xanh mốc.
Đặc điểm: đậu xanh mốc cây thấp hơn, hạt nhỏ, vỏ xanh đậm pha trắng bạc nên người ta thường gọi là đỗ mốc. Đỗ mốc khi xôi chín có mầu vàng đặc trưng, rất thơm, bở và rất bùi, thích hợp để làm nhân bánh gai.

2. Gạo nếp

Gạo Hải Hậu được nhiều người ưa dùng. Xã Giao Thịnh Huyện Giao Thuỷ Tỉnh Nam Định là một xã nằm giao thoa giữa ba huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu và Xuân Trường. Là nơi giao hoà của hai dòng nước mặn và ngọt. Thừa hưởng nguồn phù sa của hệ thống sông Hồng nên gạo ở đây cũng thơm ngon đậm đà không kém gì gạo Hải Hậu.
Gạo nếp của xã Giao Thịnh là một trong những nguyên liệu chính tạo nên hương vị riêng của bánh gai Bảo Tàng Đồng Quê.

3. Cây gai

Tên khoa học: Boehmeria nivea
Từ xa xưa người Việt Nam đã trồng cây gai để lấy sợi làm võng, đan lưới, đan vó, làm bao… củ gai dùng để làm thuốc và không biết từ bao giờ người ta đã sử dụng lá gai để làm các loại bánh như bánh gai.
Hiện nay do cơ chế thị trường để có năng suất cao, người ta dùng nhiều biện pháp khác nhau. Tại Bảo Tàng Đồng Quê, cây gai được trồng xung quanh bờ ao, bờ ruộng và chỉ sử dụng phân hữu cơ để bón cho cây do vậy chất lượng của lá gai được đảm bảo và an toàn cho sức khoẻ. Đây cũng là một yếu tố quan trọng quyết định tới chất lượng bánh gai của bảo tàng Đồng Quê.

Tại Bảo Tàng Đồng Quê những ngày thời tiết nắng, lá gai cắt về tước bỏ gân lá chỉ giữ lại phần thịt lá, đem phơi khô. Trước khi làm bánh người ta rửa sạch lá, cho vào nồi hầm khoảng 4 đến 5 tiếng sau đó rửa lại, thái nhỏ và đưa vào cối giã gạo giã thật nhuyễn thành bột, Bột lá gai được xào với đường cuối cùng trộn với bột gạo nếp để làm thành vỏ bánh.

Ngoài những nguyên liệu chính như gạo nếp, đậu xanh, lá gai, đường, kết hợp với một số nguyên liệu khác như: mứt bí, cùi dừa, mỡ lợn, vừng… theo một tỷ lệ nhất định tạo nên chiếc bánh gai có màu rêu đậm với hương vị đặc trưng hoà quyện của những nguyên liệu được khai thác từ Bảo Tàng Đồng Quê.
Bánh gai Bảo Tàng Đồng Quê được gói trong những chiếc lá chuối khô đã rửa sạch, buộc chữ thập bằng sợi dây cói.
Đây là một trong những loại quà quê do cán bộ nhân viên của bảo tàng làm theo phương pháp cổ truyền trải qua nhiều công đoạn thủ công và không sử dụng chất bảo quản do vậy số lượng sản phẩm hạn chế. Nếu du khách có nhu cầu thưởng thức hay mua về làm quà nên gọi điện đặt trước.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.