BÀI PHÁT BIỂU TẠI LỄ KỶ NIỆM 10 NĂM THÀNH LẬP BẢO TÀNG ĐỒNG QUÊ

Kính thưa các vị đai biểu khách quý!
Kính thưa các vị khách quốc tế!
Thưa toàn thể cán bộ, nhân viên Bảo tàng Đồng Quê!

Sau hai năm xây dựng, Bảo tàng Đồng Quê tổ chức khánh thành vào ngày 12/12/2012. Ngày 4/2/2013 chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định cấp giấy phép hoạt động cho Bảo tàng Đồng Quê. Bảo tàng Đồng Quê chính thức đi vào hoạt động từ đó đến hôm nay tròn 10 năm. Trong 10 năm vừa qua vừa phục vụ khách tham quan, vừa xây dựng bổ sung công trình, hiện vật, vượt qua rất nhiều khó khăn. Được sự chỉ đạo, giúp đỡ của lãnh đạo, chính quyền cơ quan ban ngành các cấp, cán bộ nhân viên Bảo tàng Đồng Quê có nhiều cố gắng vượt qua để duy trì, phát triển bảo tàng như hôm nay. Trong buổi lễ này, tôi xin trình bày báo cáo:

10 NĂM HOẠT ĐỘNG CỦA BẢO TÀNG ĐỒNG QUÊ

A. Lý do ra đời của Bảo tàng Đồng Quê:
1, Tôi là Ngô Thị Khiếu, chồng tôi là thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ trang Hoàng Kiền. Chúng tôi đều là nhà giáo sinh ra, lớn lên, học tập và có 1 thời gian công tác ở quê, vì lẽ đó mà có tình cảm rất sâu đậm với quê hương nên sưu tầm hiện vật đồng quê để giữ lại làm kỷ niệm. Chúng tôi thích đọc và sưu tầm rất nhiều sách báo vv…, càng sưu tầm càng say mê. Chúng tôi đã thu gom được một khối lượng hiện vật khá lớn.
. Năm 2009, nhân dịp về quê dự lễ khánh thành trường mầm non của xã ở thôn Bỉnh Di, chúng tôi có ý định mua 1 sào đất để xây dựng khu văn hóa truyền thống nhằm làm thư viện, kiêm trưng bày hiện vật đã sưu tầm, phục vụ bà con quê hương. Ý tưởng đó của chúng tôi đã được địa phương chấp thuận, tạo điều kiện giao cho khu đất hơn 5000 m2 này với hình thức cho thuê khu đất này để xây dựng.
. Lúc đầu ý định xây dựng nhỏ, phục vụ phạm vi quê hương Giao Thủy. Trong quá trình xây dựng được rất nhiều tập thể, cá nhân ủng hộ về tinh thần, tiền của, ngày công, truyền hình, báo chí đưa tin và Bảo tàng Đồng Quê đã được ra đời.
. Bảo tàng Đồng Quê là một bảo tàng ngoài công lập, gia đình tôi có ý tưởng, xây dựng, duy trì hoạt động nhưng có 1 bảo tàng như ngày hôm nay là sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình với xã hội đặc biệt là sự tạo điều kiện của chính quyền các cấp.

B. ĐẶC ĐIỂM CỦA BẢO TÀNG ĐỒNG QUÊ.
. Bảo tàng Đồng Quê được xây dựng ở thôn Bỉnh Di, xã Giao Thịnh, huyện Giao thủy, tỉnh Nam Định. Giao thủy là nơi giao thoa đất, trời, sông, biển, đất lành, chim đậu. Đây là vùng quê ven biển của đồng bằng Bắc bộ, một vùng đất thuần nông dân cư đông đúc, hệ thống giao thông nông thôn đã được xây dựng đồng bộ. Với vị trí địa lý này rất phù hợp để xây dựng một Bảo tàng Đồng Quê.
. Bảo tàng Đồng quê, nơi lưu giữ hồn quê, đặc biệt là vùng phía Nam châu thổ sông Hồng. Đến với Bảo tàng Đồng Quê giúp ta trở lại ký ức tuổi thơ về làng quê xưa với hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình, xung quanh có bờ tre xanh. Ngoài cổng có đoạn đường lát gạch nghiêng mô phỏng cho đường làng, qua cổng có giếng làng, đền thờ chủ tịch Hồ Chí Minh.
. Thăm quan các nếp nhà quê, các cây trồng, vật nuôi, các bộ sưu tập về nông cụ, đồ dùng sinh hoạt, nghề thủ công vv…, 2 phòng trưng bày với chủ đề “ cây lúa với đời sống sinh hoạt của cư dân đồng bằng bắc bộ”, “ đời chiến sĩ”, thưởng thức cơm quê, quà quê, rượu nếp quê của Bảo tàng Đồng Quê, sẽ giúp chúng ta hiểu biết hơn về nền văn minh lúa nước mà ông cha ta đã sáng tạo ra từ ngàn năm nay. Chúng ta hãy tự hào về đất nước, con người Việt Nam.

C. CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ CỦA BẢO TÀNG ĐỒNG QUÊ.
Bảo tàng Đồng Quê thực hiện chức năng sưu tầm, lưu trữ, trưng bày, bảo quản và giới thiệu với du khách trong nước và quốc tế về giá trị của những di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể trong Bảo tàng Đồng Quê.

D. KẾT QUẢ ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC:
1. Sưu tầm, lưu giữ khoảng 10 ngàn hiện vật bao gồm những bộ sưu tập về nông cụ, ngư cụ, diêm cụ, nghề thủ công truyền thống, đồ dùng sinh hoạt như các loại công cụ làm đất, chăm bón, thu hoạch lúa, hoa màu. Nghề thủ công như dệt chiếu, thợ mộc, đan lát…Đồ dùng sinh hoạt như đồ đồng, đồ gốm, sành sứ…
. Lưu giữ lại những cây trồng, vật nuôi đã gắn bó lâu đời với bà con nông dân, đặc biệt là những giống thuần như lúa nếp cái hoa vàng, bí đỏ, bí xanh, khoai lang, ngô, đậu, lợn Móng Cái, gà ri…
. Lưu giữ lại những nếp nhà cổ của các tầng lớp nông dân xưa. Trong thư viện có hàng ngàn đầu sách đủ các chủng loại từ cổ chí kim như sách về lịch sử, về Đảng, Bác Hồ, Quân đội nhân dân Việt Nam, y học, nông nghiệp, phong tục tập quán, văn hóa nghệ thuật, ẩm thực vv…
. Lưu giữ những hiện vật, mô hình gắn với đời chiến sỹ trải qua 45 năm công tác của Thiếu tướng Anh hùng lực lượng vũ trang Hoàng Kiền: về đường Trường Sơn, bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc, về truyền thống “ mở đường thắng lợi” của Binh chủng Công binh, về xây dựng đường tuần tra biên giới.
. Trong 10 năm hoạt động, Bảo tàng Đồng Quê và giám đốc đã được Ủy ban nhân dân xã Giao Thịnh; huyện Giao Thủy tặng giấy khen; Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tặng bằng khen về thành tích phát huy giá trị di sản văn hóa đồng quê, về thành tích góp phần xây dựng nông thôn mới.
. Ngày 22/3/2014, Tổ chức kỷ lục Việt Nam cấp bằng xác lập kỷ lục cho Giám đốc BTĐQ „ Người sáng lập Bảo Tàng Đồng Quê đầu tiên tại Việt Nam“.

2, TỔ CHỨC ĐÓN VÀ DẪN KHÁCH THAM QUAN: Bảo tàng Đồng Quê mở cửa đón khách từ thứ 3 đến chủ nhật, chỉ nghỉ ngày thứ 2 hàng tuần. Trường hợp khách từ xa lỡ tới bảo tàng vào ngày nghỉ hoặc giờ nghỉ trưa, bảo tàng vẫn linh động phục vụ. Trong 10 năm qua Bảo tàng Đồng Quê đã đón trên 250.000 lượt khách tới tham quan trải nghiệm, mỗi tháng trung bình trên 2000 lượt khách và có ngày tới 600- 700 lượt khách. Khách tới BTĐQ gồm đủ các lứa tuổi, đủ các thành phần từ khắp các tỉnh thành trong nước và khách quốc tế. Đối tượng khách nhiều nhất là học sinh, sinh viên, các cựu chiến binh. BTĐQ đã được đón các vị khách là cán bộ cao cấp trung ương, quân đội, công an, các học viên, các trường cao đẳng, đại học, các đoàn khách các đại sứ quán cũng về thăm vv… Nhìn chung khách tới tham quan BTĐQ đều cảm thấy thoái mái và để lại ấn tượng tốt.
Giáo sư – tiến sĩ Hoàng Chí Bảo khi về thăm BTĐQ đã ghi lại cảm nhận như sau:” BTĐQ là một công trình văn hóa- lịch sử rất độc đáo và đặc sắc. Đặc biệt bảo tàng tái hiện lại không gian văn hóa nông thôn Việt Nam thể hiện: NÔNG NGHIỆP – NÔNG THÔN- NÔNG DÂN mà người Trung Quốc gọi là TAM NÔNG. Chắc chắn BTĐQ sẽ phát triển lâu dài, nếu được Đảng và chính phủ quan tâm sẽ là 1 địa chỉ văn hóa thu hút khách trong nước và quốc tế”.
Một vị giáo sư người Pháp đến tham quan lần thứ 2 đã viết lưu bút :” Một trong những bảo tàng về nghệ thuật và truyền thống dân tộc mà tôi chưa từng được thấy. một trong những bảo tàng đầy đủ nhất, giới thiệu về những ngôi nhà, hiện vật, hoạt động rất chi tiết, rất dễ chịu. những cổ vật bằng đồng, bằng gốm sứ thực sự là những bảo vật quốc gia để cho những người trẻ Việt Nam hiểu hơn về truyền thống văn hóa dân tộc”.
Tới BTĐQ, du khách không chỉ tham quan, nghiên cứu về di sản văn hóa vật thể mà còn có thể tham gia trải nghiệm di sản văn hóa phi vật thể. Trong thư viện của BTĐQ có trên 300 cuốn sách nấu ăn của những đầu bếp nổi tiếng như: bà Vân Đài, bà Quốc Việt, bà Phan Long, ông Nguyễn Tuân, ông Vũ Bằng…Cán bộ nhân viên của BTĐQ vừa nghiên cứu những tác phẩm nổi tiếng đó, kết hợp với kinh nghiệm truyền thống của gia đình, của địa phương vừa gìn giữ, vừa phát huy giá trị văn hóa ẩm thực đồng quê như sản xuất nước mắm, nước tương, mắm tôm, miến dong, làm bánh gai, bánh khúc, rượu nếp quê, cơm quê vv… sản phẩm của BTĐQ đều làm từ những cây trồng vật nuôi của bảo tàng và của địa phương.
Trong 1 năm trung bình BTĐQ tiêu thụ khoảng trên 30 tấn lúa của địa phương.
Mảng ẩm thực đồng quê vừa giúp cho du khách được thưởng thức hương vị tự nhiên của đồng quê, thấy được linh hồn của những hiện vật đồng quê vừa giúp cho bảo tàng có một phần kinh phí để hoạt động. Nhu cầu trải nghiệm ẩm thực đồng quê ngày càng tăng.
3.KẾT NỐI DU LỊCH:
BTĐQ đã kết nối du lịch với vườn quốc gia Xuân Thủy, nhà lưu niệm Trường Chinh, bãi tắm Quất Lâm, đồng muối Bạch Long vv…Tại BTĐQ ngoài tham quan bảo tàng, du khách có thể tổ chức hội thảo, giao lưu đồng nghiệp, bạn bè và thưởng thức hương vị đồng quê.
4.GÓP PHẦN XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI: Năm 2018 bộ văn hóa thể thao và du lịch tặng bằng khen cho BTĐQ về thành tích này.
5 .THƯ VIỆN: Thư viện của BTĐQ có hàng ngàn đầu sách khác nhau gồm nhiều loại sách báo, đáp ứng cho các đối tượng đọc sách báo và có phòng đọc rộng rãi.
6. THỰC HIỆN CHỦ TRƯƠNG CHÍNH SÁCH CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC: BTĐQ chấp hành nghiêm chỉnh chính sách của Đảng và chính phủ, những quy định của địa phương. Thực hiện đúng luật di sản văn hóa.
7, TU BỔ BẢO QUẢN CÔNG TRÌNH: Trong BTĐQ có 4 ngôi nhà lợp rạ, 10 năm qua đã trải qua 3 trận bão lớn, mái rạ bị bay đi, bảo tàng vẫn quyết tâm tìm mua rạ cũ, bổi lợp lại để giữ gìn, bảo quản lâu dài đúng nguyên bản những ngôi nhà đã tồn tại hàng trăm năm qua.
8, BỒI DƯỠNG CHUYÊN MÔN NGHIỆP VỤ: Cán bộ, nhân viên BTĐQ tham gia đầy đủ các lớp tập huấn do cục di sản văn hóa tổ chức. Tham gia học ngắn hạn lớp tại chức về bảo tồn di sản. Tổ chức tham quan các bảo tàng bạn để giao lưu, học hỏi thêm và thường xuyên rút kinh nghiệm, có sổ ghi ý kiến của khách tham quan để rút kinh nghiệm kịp thời.

TỒN TẠI
– Đây là bảo tàng tư nhân, phải tự lo kinh phí hoạt động, vì kinh phí có hạn nên từ khi thành lập đến hết năm 2016 bảo tàng phục vụ miễn phí, từ năm 2017 đến nay thu mỗi khách tham quan 5000đ gọi là phí bảo vệ, vệ sinh, còn lại hoàn toàn tự túc, nên các hoạt động còn nhiều khó khăn hạn chế. Diện tích mặt bằng nhỏ nên một số hoạt động không thể thực hiện được như trải nghiệm công việc nhà nông vv…
– Chưa có phòng bảo quản hiện vật riêng
– Lương trả cho nhân viên còn thấp, nhất là trong thời covid vừa qua.

BÀI HỌC
1, Trong 10 năm qua, BTĐQ đã cố gắng tự chủ về kinh tế, hàng thánh chi trả lương cho 10 nhân viên trừ giám đốc bảo tàng không có lương. Bằng cách phát huy thế mạnh của BTĐQ đó là di sản văn hóa phi vật thể trong bảo tàng như: cơm quê, quà quê, rượu nếp quê vv…
2, Xây dựng tập thể cán bộ nhân viên bảo tàng đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong công việc, trong cuộc sống, có tổ chức, có chế độ đãi ngộ như 1 cơ quan nhà nước.
3, Không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của từng bộ phận. Thường xuyên rút kinh nghiệm để tìm ra phương pháp phục vụ tốt nhất.
4, Cuối năm 2012, BTĐQ hoàn thành xây dựng giai đoạn 1. Đến nay cơ bản đã xây dựng xong với tổng kinh phí xây dựng trên 10 tỷ đồng, xã hội đã ủng hộ cho gần 4 tỷ đồng.

PHƯƠNG HƯỚNG
1.Thế mạnh của 1 bảo tàng là hiện vật gốc. BTĐQ có khoảng 10 ngàn hiện vật và hầu hết là hiện vật gốc. Thế mạnh thứ 2 của BTĐQ đó là di sản văn hóa phi vật thể trong bảo tàng mà hàng ngàn năm qua ông cha ta đã sáng tạo ra biết bao những công trình khoa học, nghệ thuật, mỹ thuật thể hiện trong những ngôi nhà cổ, những bộ sưu tập đặc biệt là kỹ thuật đúc đồng, kỹ thuật canh tác, thích ứng với tự nhiên, nghệ thuật ăn, ở, canh tác, sinh hoạt. BTĐQ sẽ phát huy thế mạnh của BTĐQ để phục vụ du khách và lấy kinh phí để nuôi bảo tàng.
2, Từ 2016 trở về trước BTĐQ phục vụ miễn phí cho khách tham quan. Từ 2017 đến nay thu phí vào cổng 5000đ/người. Dự kiến từ 2023 sẽ thu phí vào cổng 10000đ/ng.
3, Cố gắng ứng dụng công nghệ mới vảo để quản lý bảo tàng phục vụ du khách tốt hơn.
4, Con người là yếu tố quyết định sự thành công. Tôi sẽ cố gắng quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của đội ngũ cán bộ nhân viên trong BTĐQ để họ phát huy hết vai trò của mình.
5, Riêng về gia đình tôi, vợ chồng tôi đều hưởng lương cán bộ hưu trí, 10 năm qua, giám đốc bảo tàng không lương nhưng cái mà tôi được hưởng: bảo tàng là nơi an dưỡng, là nơi được nghiên cứu về văn hóa đồng quê và cả gia đình chúng tôi được hưởng thực phẩm sạch của BTĐQ như gạo, thịt, cá, rau, tương cà, mắm muối vv…

ĐỀ NGHỊ
Hiện nay chúng tôi đã trên dưới 70 tuổi, không thể quản lý BTĐQ được lâu dài nữa.
Vì vậy tôi mong muốn các cấp lãnh đạo, chính quyền, cơ quan đoàn thể cùng cộng đồng xã hội hãy quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa để BTĐQ được trường tồn và tỏa sáng ra thế giới về nền văn minh lúa nước của Việt Nam.
Đặc biệt hãy quan âm đến 10 cán bộ, nhân viên của BTĐQ để họ phục vụ công chúng tốt hơn nữa.
Cuối cùng tôi xin chân thành cảm ơn lãnh đạo chính quyền, cơ quan đoàn thể các cấp, báo đài từ xóm thôn tới trung ương, các cá nhân, tập thể ở mọi miền đất nước và quốc tế đã quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ, động viên Bảo tàng Đồng Quê xây dựng hoạt động và phát triển như hiện nay!
Xin trân trọng cảm ơn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.